LỜI EM MUỐN NÓI

Ngọn lửa nhỏ giữa trời đông…

        Ký ức tuổi học trò - là gió thu và nắng hạ, là ngày mưa áo trắng lấm giọt rơi, tiếng bước chân chạy nhảy vui đùa, lẫn tiếng khúc khích trong veo tuổi trẻ. Cái thời ngây ngô đơn thuần ấy, chỉ chờ màu phượng đỏ, trông ngóng tiếng ve kêu, rồi khi hè đã đến, lại nhớ da diết tiếng trống trường, nhớ giờ ra chơi nhộn nhịp, nhớ cả tiếng thầy cô nhẹ nhàng trên bục giảng…

        Thời gian trôi đi thật nhanh, mới đó mà thu đã qua, cái se se lạnh của mùa đông đang nhẹ nhàng ôm ấp lấy thành phố. Năm nay không có ngày tựu trường, thiếu vắng những buổi chào cờ nghiêm trang, tay chân cứ bồn chồn vì chẳng được chuẩn bị văn nghệ hay quét dọn trực tuần, cứ như cuộc sống đã bỏ quên một gia vị nào đấy. Rồi bỗng một ngày, các bạn học xôn xao hẳn lên, ai cũng tíu tít nhắn tin bàn luận, thật sôi nổi, vui mừng. Bởi vì cái ngày trọng đại đó sắp đến, mỗi năm chỉ có một lần, ngày để tôn vinh những người cha mẹ đỡ đầu cho tuổi trẻ, những người lái đò cần mẫn và nhiệt huyết, người truyền lửa và thắp sáng cho biết bao thế hệ học trò, đó là ngày Nhà giáo Việt Nam 20 - 11.

        Mỗi năm khi tháng 11 đến gần, các lớp lại hồ hởi chuẩn bị tiết mục văn nghệ, ai cũng muốn lớp mình nhảy thật hay, múa thật đẹp. Nhưng tháng 11 lần này rất đặc biệt, không có cãi nhau chọn bài hát, chẳng có buổi tụ họp múa tập mỗi tuần, cuộc sống có vẻ yên ả trôi qua, còn hộp tin nhắn cứ réo lên mỗi phút. Nào là chỉnh màu cho video, ý tưởng lời dẫn đầu, nội dung phỏng vấn online,… Mọi thứ đều khác đi, nhưng sự yêu thương quý trọng thầy cô chưa bao giờ thay đổi, vậy nên mỗi một món quà dành tặng thầy cô đều phải trau chuốt từng vần thơ câu chữ, từ hình ảnh đến âm thanh, vì tụi học trò không đời nào chịu để người thầy cô chúng nó yêu mến nhận một video hay lời chúc chưa chỉnh chu cả. Và thế là bắt đầu chuỗi ngày chạy đua với thời gian, ôn thi và chuẩn bị cho ngày 20/11…

        Những cậu học trò nghịch ngợm vẫn không để ý tới kỳ thi đến gần, mỗi ngày đều vui vẻ rong chơi, những cô học sinh ban xã hội mải miết học Văn Anh để rồi hốt hoảng trước dãy công thức Lý Hóa, ấy vậy mà các cô cậu lại thay đổi chỉ sau tiết Sinh hoạt lớp, là vị quyền thế nào đã làm được chuyện khó nhằn như thế? Quyền lực đó chẳng phải thứ gì cao siêu, mà là một tấm lòng, là sự tận tâm của cô Việt Hà đã đưa cậu học trò về đúng hướng, đã trấn tĩnh cô bé học Anh Văn, cũng là sức mạnh ngôn từ được tạo ra bởi một tâm hồn tinh tế nhạy cảm. Một lời nói nhẹ nhàng có lẽ đã đủ để vỗ về trái tim non nớt hơn những lời trách phạt nặng nề. Cô vừa là giáo viên chủ nhiệm, vừa là gà mẹ đã dẫn dắt đàn gà con ngơ ngác ngày mới bước vào trường cấp 3, cô chăm chút cả những điều nhỏ nhất mà chẳng bao giờ nhận công lao về mình. Hơn ai hết, những chú gà con đều nhớ rõ, đều khắc ghi trong lòng mỗi một lời nói, một hành động ấm áp của cô, tụi nhỏ chỉ mong lớn thật nhanh để đủ sức chở che cô giống như cô đã từng vào năm ấy.

        Thật lạ, mọi sự như đã được sắp xếp bởi duyên phận khi mà chúng em vừa được nhận sự dịu dàng lại vừa được dạy dỗ bởi người thầy trông thật lạnh lùng mà cũng thật nhiệt huyết. Vốn đã nghe môn Toán là một môn khô khan chú trọng vào logic, có lẽ thầy Dũng – người đã gắn bó với nó suốt bao năm cũng bị ảnh hưởng ít nhiều, hiếm khi tụi học trò nghịch ngợm có thể quậy phá trong lớp, hiếm khi học sinh được cười đùa nhưng đã cười thì không ngừng được. Cứ mỗi khi đến tiết luyện tập, cả lớp lại nín lặng chờ đợi gọi tên lên bảng. Và chỉ một lúc sau sự yên ắng sẽ bị phá tan bởi những tiếng xì xào tranh luận về cách giải. Đến cuối cùng bao giờ cũng là tiếng đồng thanh “ồ” lên khi nhìn thấy bài làm của thầy. Một vòng lặp không hồi kết nhưng chưa bao giờ nhàm chán cả. Nếu như không có sự hiểu biết sâu rộng cùng lòng nhiệt huyết ấy, có lẽ tâm trí của những cô cậu học trò đã bị biết bao bài toán khó nhằn đánh gục.

        May mắn của tuổi trẻ không chỉ là gặp được thầy cô giỏi, mà còn là gặp được người có tâm hồn đồng điệu với sự cuồng nhiệt trong những năm tháng tuổi trẻ ấy. Ngoại ngữ vốn đã là thứ gì đó mới mẻ và lạ lẫm, lại đầy gai góc với cấu trúc ngữ pháp phức tạp và số lượng từ vựng vô vàn khiến học sinh vừa muốn khám phá lại phải ngán ngẩm đứng nhìn. Nhưng nếu nó được dạy bởi phong cách mới lạ ít thấy trong giảng dạy mà lại gần gũi quen thuộc với thiếu niên thì sẽ khác. Cô Linh đã làm được điều đó thật dễ dàng bằng cách thấu hiểu những cô cậu vừa lo lắng cho việc học vừa vấn vương cuộc vui ngoài kia. Trò chơi bằng tiếng anh, video về những chủ đề thú vị,… chưa bao giờ vắng mặt trong tiết học. Hóa ra, hành trình chinh phục một ngoại ngữ mang màu hồng hay màu xám, u ám hay vui tươi đều phụ thuộc rất nhiều vào cách học. Liệu có bao nhiêu người đủ may mắn để nhận ra điều này? Trong số ít người may mắn ấy, lại bao gồm chúng em, những người rồi sẽ trở thành thế hệ đi trước, tiếp tục truyền lại ngọn lửa này cho thế hệ sau, tựa như những năm tháng cô đã thắp sáng cả cây cầu dẫn ra thế giới rộng lớn đang đợi chờ.

        Vì sao hoa phượng mang sắc đỏ, lá cây tươi tốt có màu xanh, biển nấm ngút ngàn sau cơn mưa nặng hạt, chú ếch nhảy nhót cả trên cạn và dưới nước, bước chân sư tử mạnh mẽ giữa thảo nguyên… Hay như cầu vồng cưỡi đoàn mây, con thuyền lênh đênh trên mặt biển, có bao giờ bạn muốn biết, tại sao trời lại xanh? Bầu không khí trong lành cùng hương hoa thoang thoảng, nó được cấu thành từ hàng ngàn phân tử bao quanh chúng ta, vô hình mà luôn hiện hữu. Thế giới tự nhiên nguyên sơ như thuở ban đầu, hấp dẫn mời gợi những chú ong đàn bướm khám phá bên trong. Nhưng nếu không còn đôi cánh, con ong dù có chăm chỉ sẽ đi được bao xa, thân bướm yếu ớt liệu có đủ kiên trì? Chú ong rồi sẽ tìm được mật ngọt, nàng bướm vẫn rực rỡ trong vườn hoa, bởi vì đây là những đàn ong bướm bé nhỏ được các thầy cô nâng niu bảo vệ, chắp cánh ước mơ và luôn tiếp động lực cho chúng mỗi ngày.

        Nếu như quy luật tự nhiên là bất biến, thì xã hội lại thay đổi từng ngày. Bề dày lịch sử mỗi ngày lại thêm một trang mới, nền kinh tế đang phát triển không ngừng. Đặc điểm nổi bật của tuổi trẻ là tò mò, chúng háo hức được biết quá trình cha ông ta gây dựng bảo vệ giang sơn, thắc mắc về những thứ chúng chưa từng thấy ở bên kia bờ đại dương, hay ngơ ngác với những thuật ngữ “duy vật” “duy tâm” lạ lẫm. Và đồng hành cùng với chúng, thầy cô vẫn luôn nhẹ nhàng chỉ dẫn, nắm lấy tay đưa chúng đi ngao du khắp năm châu bốn bể, quay lại đằng sau không biết có bao nhiêu thế hệ đang hướng ánh nhìn ngưỡng mộ trên mái tóc đã điểm màu phấn ấy.

        Bên cạnh những kiến thức bổ ích, chúng em còn được tham gia các hoạt động thể dục thể thao. Có một câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Tôi mong rằng đồng bào ai cũng cố gắng tập thể dục. Tự tôi ngày nào cũng tập". Với sự cởi mở và hiền lành của thầy cô, tiết thể dục trở thành nơi vận động thể chất đúng nghĩa, không còn bị ám ảnh bởi những con số chữ cái trên sổ. Cùng với đó mọi học sinh đều được phổ cập về An ninh – Quốc phòng, những màn tháo lắp súng luôn đón nhận sự ngạc nhiên thích thú của mọi người.

        Không có một đứa con nào lại không yêu thích lịch sử, địa lý của nước mình, không có tuổi trẻ nào lại không tò mò về thế giới xung quanh. Không phải ai cũng được khơi gợi sự hứng thú tìm kiếm và học hỏi tri thức. Dưới mái trường THPT Lê Viết Thuật, mỗi một cô cậu học trò đều có thể tự do khám phá thiên phú, trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Điều đó đâu phải dễ dàng thực hiện chỉ trong vài ngày ngắn ngủi mà cần cả một quá trình không ngừng phát triển và đổi mới của thầy cô và ban giám hiệu nhà trường. Thế mà chúng em, những người được nhận sự chăm sóc giáo dục một cách chu đáo lại không có đủ dũng cảm để thể hiện lòng biết ơn mỗi ngày, chỉ có thể thầm nói lời cảm ơn trong lòng, và cả lời xin lỗi…

        Mỗi năm chỉ có một ngày 20 - 11, đời người chỉ có một lần tuổi trẻ, có những thứ đã đi qua sẽ không thể quay về. Nhưng ký ức sẽ mãi còn đó, lời thầy cô dạy dỗ và cả tình yêu thương học trò sẽ luôn được khắc sâu vào tâm trí năm 17 tuổi ấy, trường tồn mãi với thời gian. Nhân một ngày đặc biệt gắn liền với một dịp đặc biệt, cô cậu học trò đã bớt đi sự nông nổi thường ngày, ngồi trong căn phòng ấm áp và lặng lẽ viết từng dòng văn, nhẹ nhàng gửi gắm lời cảm ơn tới những người cô người thầy tận tâm nhiệt huyết đã lái con đò đưa biết bao thế hệ cập bến bờ tri thức. Cảm ơn vì đã cho chúng em một tuổi trẻ thật trọn vẹn, cảm ơn vì đã để chúng em trở thành một phần của mái trường thân thương…

 Lê Thị Bảo Ngọc – DK44 

 
.